Công tác nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ đang dần có sự tham gia sâu và thực chất hơn của những công ty và tập đoàn lớn trong làng công nghệ.
Tháng 2/2017, CMC ký kết thỏa thuận hợp tác với Bộ Khoa học và công nghệ về việc xây dựng bản đồ, lộ trình và đổi mới công nghệ trong việc phát triển và ứng dụng công nghệ Internet of Things (IoT) tại Việt Nam trong khuôn khổ Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020.
Với thỏa thuận này, các đơn vị chức năng của Bộ Khoa học và công nghệ (Cục Ứng dụng và phát triển công nghệ, Văn phòng các Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia) đã hỗ trợ CMC nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng và đầu tư đổi mới công nghệ phục vụ phát triển các sản phẩm mới của tập đoàn. Hai bên cũng phối hợp xây dựng các chiến lược, chương trình, kế hoạch hỗ trợ, khuyến khích phát triển các hoạt động đổi mới sáng tạo, góp phần nâng cao hiệu quả ứng dụng và phát triển công nghệ trong cộng đồng doanh nghiệp.
Kết quả của dự án này được kỳ vọng mang lại các định hướng về mặt nghiên cứu ứng dụng triển khai công nghệ IoT, giúp Việt Nam biết cái gì nên sử dụng lại những thành quả nghiên cứu của nước ngoài, cái gì nên tự nghiên cứu và phát triển.
Ông Lê Chí Dũng, Giám đốc Trung tâm sáng tạo của CMC cho biết, câu chuyện tự phát triển như thế nào rất quan trọng vì đôi khi liên quan đến an ninh quốc gia, đảm bảo tính phù hợp với môi trường và văn hoá. Nhưng ngược lại, có những công nghệ nước ngoài đã đi rất xa nên phải nghiên cứu để biết Việt Nam đang ở đâu và có thể tận dụng cho các lĩnh vực của Việt Nam như thế nào.
Dự án xây dựng bản đồ công nghệ, lộ trình công nghệ và đổi mới công nghệ trong việc phát triển và ứng dụng IoT tại Việt Nam sẽ tập trung vào ba ngành chính là nông nghiệp, du lịch và công nghệ thông tin.
Nếu không dễ dàng sử dụng thì đừng nói gì đến công nghệ
Theo đánh giá của ông Nguyễn Xuân Hạ, cộng tác viên trưởng nhóm nghiên cứu Robotics của Viện nghiên cứu ứng dụng CMC, IoT là một chủ đề tương đối mới, thậm chí với cả thế giới. Một hệ thống IoT bao gồm nhiều yếu tố cấu thành từ vật lý, phần cứng, cơ sở hạ tầng truyền dẫn, phần mềm, quản trị, bảo mật…
Bản đồ IoT mà CMC đang xây dựng có thể hình dung như một cây thư mục, một bức tranh khái quát về IoT và các công nghệ liên quan. IoT là một ngành nhưng thực chất là tổng hợp của những công nghệ đã có và sắp có.
“Muốn đầu tư vào IoT thì phải nắm được bức tranh tổng quan, rồi tìm được các công nghệ truyền dẫn, xem những công nghệ này của mình đang ở đâu so với thế giới để từ đó đánh giá có đáng để làm không”, ông Hạ cho biết.
Hiện Bộ Khoa học và công nghệ đang hỗ trợ chỉ đạo CMC thực hiện nghiên cứu xây dựng bản đồ công nghệ IoT cho toàn quốc. Sau khi đã có bản đồ công nghệ, một lộ trình đổi mới công nghệ sẽ được triển khai xây dựng và hoàn thiện trong năm 2020 để giúp các doanh nghiệp và cơ quan nhà nước hình dung khái quát và nắm được định hướng cũng như các nhiệm vụ phải thực hiện khi tiến hành đầu tư và ứng dụng IoT thay vì phải mất rất nhiều công sức và tiền bạc để khảo sát mà đôi khi không ra kết quả.
“Dự án đánh giá xuyên suốt từ cơ chế chính sách, các Nghị quyết của Đảng, Nhà nước, đánh giá và phân tích thị trường của thế giới và Việt Nam sau đó áp dụng về công nghệ liên quanrồi đánh giá hồ sơ chi tiết của sản phẩm, từ đó giải các bài toán cụ thể”, ông Hạ nói .
Trong các xu thế hiện nay có thể thấy những khái niệm như Big data, AI, IoT hay robot được nhắc đến khá nhiều. Trong đó, ông Dũng đánh giá, xây dựng bản đồ công nghệ trong việc phát triển và ứng dụng IoT là một đề tài có phổ khá rộng, từ các thiết bị cá nhân đến hệ thống sản xuất. Do đó, một trong những khó khăn lớn là tập hợp được các chuyên gia có thể nắm được toàn bộ khía cạnh của lĩnh vực này.
“Viện không thể làm tất cả mọi thứ, phải đi khảo sát, lấy ý kiến chuyên gia nhưng cũng rất khó. Chẳng hạn, các chuyên gia trong ngành nông nghiệp biết rất sâu về nông nghiệp nhưng khi vào ứng dụng IoT thì chỉ biết đến công nghệ tự động bật quạt, bật đèn chứ sâu hơn thì không biết.
Chính vì vậy, những đơn vị thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu như CMC cần đưa ra các lộ trình và công nghệ cụ thể, phù hợp với các chính sách và chiến lược phát triển công nghệ của đất nước trong thời đại Công nghiệp 4.0 dưới sự hỗ trợ của Bộ Khoa học và công nghệ”, ông Hạ chia sẻ.
Nghiên cứu về IoT là một chủ đề mới và phức tạp nhưng ứng dụng IoT vào các doanh nghiệp cụ thể, theo ông Dũng, thì lại phải là những thứ đơn giản nhất, để người nông dân cũng có thể sử dụng. Khi mọi thứ đủ dễ và đủ thông minh thì không phải làm khó mà phải làm dễ hơn cho người dùng. Thông minh hơn và dễ dàng hơn là một trong những hướng đến của công nghệ, không phải là những thứ cao siêu.
“Trong nền kinh tế trải nghiệm, yếu tố quan trọng không phải là công nghệ mà là giao diện và trải nghiệm của người dùng. Nếu hai cái này không giải quyết được thì đừng nói gì đến công nghệ”, ông Dũng khẳng định.